Menu Đóng

Những câu chuyện

MARTIN

23 tuổi, bệnh bạch cầu

Đây là khởi đầu câu chuyện của một trong nhiều bệnh nhân ở Cộng hòa Séc mắc bệnh lý ác tính. Martin thuộc thế hệ thứ hai của người Việt sinh sống tại Séc. Bạn có tự hỏi Martin đã đối mặt với chẩn đoán này ra sao? Xem qua trang web bit.ly/Martinuv-pribeh của chúng tôi hoặc đọc toàn bộ cuộc phỏng vấn dưới đây

Thoạt nhìn, bạn sẽ không nhận thấy bất cứ điều gì đáng chú ý ở Martin. “Tôi thích đi dạo với chú chó của mình, học những điều mới và khi có nhiều thời gian rảnh, tôi sẽ hẹn bạn bè chơi trò chơi”, cậu mô tả bản thân. Nhưng Martin rất khác ở một điểm: cậu ấy mắc bệnh bạch cầu cấp tính/ung thư hạch. Và thêm một sự khác biệt nữa, đó là việc cậu ấy quyết định chia sẻ câu chuyện của mình.

Môi trường y tế không xa lạ gì với Martin. Cậu học trường trung học y tế và sau đó muốn trở thành một nhà vệ sinh nha chu. Khi cậu tạm ngừng học để đi trải nghiệm, thăm thú xung quanh và tìm việc để có kinh nghiệm thực tế, một biến cố bất ngờ giáng xuống cậu. “Khoảng một năm trước, các hạch ở cổ và háng của tôi phình lớn”, cậu nhớ lại các triệu chứng đầu tiên. “Tôi mệt mỏi khủng khiếp. Tôi không thể ngủ được và khi ngủ thiếp đi, tôi ngáy rất to.”

Mẹ cậu là người bắt cậu đến phòng khám của bác sĩ khu vực. “Nhưng bác sĩ của tôi không biết phải làm gì với tôi, vì vậy ông đã gửi tôi đi sinh thiết ở Bệnh viện Motol. Và sau hai tuần, tôi được biết mình bị ung thư hạch. Tôi đã bị sốc, như thể bị đóng băng vậy, tôi đã không biết phải nói gì”, cậu mô tả phản ứng của mình ngay sau khi nhận được chẩn đoán. “Tôi biết đó là ung thư. Tôi nghĩ đến việc liệu bệnh của mình có thể chữa được không. Tôi được trấn an một chút khi bác sĩ xác nhận rằng có thể.”

Đầu tiên Martin nhập viện tại Bệnh viện VFN, sau đó cậu được chuyển sang Viện Huyết học và Truyền máu UHKT. Đối với Martin, không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian nằm viện điều trị. “Tôi ở một mình trong phòng, nhưng tôi thậm chí không thể mở cửa sổ. Tôi không thể ngủ được trong khoảng hai tháng.” Trước mỗi chu kỳ hóa trị, cậu ấy phải trải qua một loạt các kiểm tra hết lần này đến lần khác. Lấy máu, lấy mẫu tủy xương, chọc dò tủy sống để kiểm tra liệu não có bị ảnh hưởng. “Tôi vẫn còn nổi da gà khi nghĩ đến lúc bác sĩ lấy tủy xương. Thật sự rất khó chịu đựng,” Martin nói thêm trong khi chỉ cho tôi dấu vết của những lần lấy máu lặp đi lặp lại trên cẳng tay. Chỉ riêng quá trình hóa trị cũng là quá đủ. “Tôi bắt đầu thấy khó chịu, tôi nôn rất nhiều, không có cảm giác thèm ăn, tôi sụt 10kilo. Tóc của rụng dần, tôi luôn thấy mệt mỏi, tôi không muốn làm gì cả, tôi chỉ có thể nằm trên giường. Nhưng sau một thời gian, người ta sẽ quen dần với mọi thứ và sẽ quên đi việc phải cảm nhận.”

Nhưng rồi mùa hè khủng hoảng đó đến. Từng đợt nhiễm trùng đánh vào khả năng miễn dịch bị suy yếu của Martin. “Đó là khoảng thời gian khủng khiếp,” cậu nhớ lại, “tôi không thể di chuyển chút nào, không thể rời giường. Tôi cũng gặp rắc rối với dạ dày của mình, họ phải nuôi tôi bằng dinh dưỡng truyền vào tĩnh mạch. Điều tồi tệ nhất là bất kỳ thay đổi nào mà con người ta cảm nhận được, đều khiến người đó nghĩ rằng căn bệnh của mình đã trở nên tồi tệ hơn – mặc dù sự thật không nhất thiết là vậy. Tôi đã suy sụp tinh thần, và tại một thời điểm, tôi đã nghĩ tôi sẽ từ bỏ. Nhưng gia đình đã giữ tôi lại.” Gia đình của Martin không có bất kỳ kinh nghiệm nào đối với căn bệnh nghiêm trọng kiểu này. “Mẹ hoảng sợ vô cùng. Bố tôi thì bình tĩnh hơn chút sau khi tìm hiểu thông tin. Thời gian sau đó, tôi dựa vào bố rất nhiều, chính ông là người thường xuyên đến thăm tôi trong bệnh viện. Chúng tôi chủ yếu nói về những điều hàng ngày của bố. Tôi nghĩ chúng tôi trở nên gần gũi hơn,” Martin nói. Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè không bao giờ cho phép cậu cảm thấy cô đơn. Ngay cả với các bác sĩ và y tá, Martin cũng có những cảm nhận tốt đẹp, cậu thậm chí đã kết bạn với anh y tá chăm sóc mình.

Bây giờ, sau một thời gian rất dài, Martin cảm thấy mình là một người khỏe mạnh. Và cậu có dự định gì? “Tôi muốn sống hết mình, không dậm chân ở một nơi, đi du lịch nhiều – ví dụ đến Na Uy hay Hà Lan. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Hy Lạp vào mùa hè. Tôi cũng muốn cải thiện bản thân bằng cách học ngoại ngữ. Bây giờ, ví dụ, tôi đang học nấu ăn, đó có lẽ là mục tiêu của tôi bây giờ, hôm qua tôi mới cùng bạn bè nấu mì spaghetti thịt viên,” cậu ấy cười.

Nhìn lại cuộc sống của mình trước khi bị bệnh, cậu nói, có lẽ mình sẽ thay đổi cách sống. “Tôi đã không quan tâm nhiều đến bản thân mình, tôi từng ăn thực phẩm không lành mạnh, bây giờ tôi muốn hạn chế nó.” Và cậu cũng muốn nhấn mạnh về việc, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân: “Tôi mong muốn mọi người ý thức được rằng, căn bệnh này có thể ập đến với bất kỳ ai, đừng đánh giá thấp bệnh tật và hãy sẵn sàng cho mọi thứ – điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đừng lười biếng, hãy có một chế độ ăn uống tốt hơn và đi đăng ký vào danh sách người hiến tủy chẳng hạn.”

Có điều gì cậu ấy muốn truyền đạt đến những người đang trải qua tình huống tương tự? “Cần nhất là không bỏ cuộc và chiến đấu đến cùng. Cuộc sống của bạn đáng giá, rồi bạn sẽ thấy, mình có thể vượt qua được mọi thứ. Tôi thích cách Rocky Balboy nhìn nhận cuộc sống: cuộc sống là một nơi khó khăn và nó sẽ luôn đẩy bạn xuống, nhưng tất cả phụ thuộc vào bạn, vực dậy từ bùn đất, đó là cách duy nhất để chiến thắng. Mỗi khi bạn đứng dậy, bạn sẽ thắng.”

Martin sẽ ẩn danh theo yêu cầu của gia đình (không tài liệu ảnh). Cha mẹ cậu lo lắng về việc Martin sẽ bị kỳ thị vì căn bệnh ác tính trên mạng xã hội và những tác động tiềm tàng trong tương lai. Chúng tôi tôn trọng mong muốn của họ. Bài viết được đăng với sự chấp thuận của Martin.